Lịch sử Đánh giá đặc điểm của người Việt

Trước thế kỷ 20

Trang đầu tiên cuốn Đại Việt sử ký toàn thư.

Trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" đã có ghi chép về đặc điểm tính cách của người Việt.[1] Đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, các thương nhân phương Tây và các nhà truyền đạo Công giáo đã bắt đầu ghi chép về tính cách con người Việt. Đơn cử như trong sách Xứ Đàng Trong năm 1621 của tác giả người Ý Cristoforo Borri, ông đã có lời nhận xét và miêu tả về tính khí con người xứ Đàng Trong.[2]

Tới thời nhà Nguyễn, các sách do triều đình biên soạn như "Đại Nam thực lục", "Việt sử thông giám cương mục" cũng có ghi chép về đặc điểm tính cách của người Việt.[1]

Thời Pháp thuộc

Nghiên cứu về đặc điểm tính cách thói quen của người Việt đã được các học giả phương Tây, đặc biệt là Pháp thực hiện từ khi thực dân Pháp bảo hộ An Nam. Tự phán và tự trào tính cách của dân tộc thì phải nói đến một nhân vật nổi danh trên trường văn học và báo chí là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ở đầu thế kỷ 20. Khi còn bình bút cho tờ báo Quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Bắc Kỳ "Đăng cổ tùng báo"[3] (1907) Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh giả nữ là Đào Thị Loan đã viết những bài phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu như tục đốt vàng mã, thói hư danh, nạn cờ bạc,... Đến khi trở thành chủ bút tờ "Đông Dương Tạp chí" trong hai năm 1913 và 1914, ông mở một chuyên mục mang tên là "Xét tật mình" lấy cảm hứng từ một câu của văn hào Pháp Emile Zola: "Nói hết, để biết hết, để chữa hết" (Tout dire pour tout connaitre, pour tout guérir) và giải thích thêm rằng: "Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu giếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện".[4]

Nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam dưới góc độ văn hóa được thể hiện trong các công trình nghiên cứu như "Việt Nam phong tục" (1915) của Phan Kế Bính, "Việt Nam văn hóa sử cương" (1938) của Đào Duy Anh, "Văn minh nước Nam" (1944) của Nguyễn Văn Huyên, Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong cuốn Đất Lề Quê Thói (Phong Tục Việt Nam) cũng có những nhận xét về tính cách và phong tục người Việt. Các học giả nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Ngô Đức Kế,Trần Trọng Kim... cũng như những nhà cách mạng hàng đầu như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu đều có những nhận xét về tính cách người Việt. Những nhận xét này đã được tập hợp lại và xuất bản trong sách "Người xưa cảnh tỉnh" (2019).[5] Các học giả Pháp cũng có những nghiên cứu về người Việt như "Tâm lý dân tộc An Nam" của Paul Giran, "Người Nông Dân Châu Thổ Bắc Kỳ" của Pierre Gourou,...

Sau năm 1945

Nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam dưới góc độ khoa học lịch sử có công trình "Xã thôn Việt Nam" (1959) và "Tìm hiểu tính cách dân tộc" (1963) của Nguyễn Hồng Phong.[6]

Nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam dưới góc độ tâm lý học có các công trình nghiên cứu của Đỗ Long, Vũ Dũng, Phạm Minh Hạc như "Những nghiên cứu tâm lý học" (2007) của Đỗ Long, "Tâm lý người Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Những điều cần khắc phục" (2004) của tập thể tác giả hội viên Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam do Phạm Minh Hạc chủ biên.

Tiếp cận giá trị truyền thống của dân tộc và nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam dưới góc độ giá trị học có tác phẩm "Về giá trị và giá trị châu Á" (2005) của Hồ Sỹ Quý, "Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam" (1980) của Trần Văn Giàu.

Nghiên cứu văn hóa Việt Nam có "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" (1996), của Trần Ngọc Thêm, "Việt Nam - văn hóa và con người" của Nguyễn Đắc Hưng.

Tính cách của con người Việt Nam còn là đề tài của nhiều bài viết trên các báo và tạp chí.[7][8][9]

Về nhược điểm của người Việt, ở ngoài Việt Nam, gần đây có cuốn "Tổ quốc ăn năn" (2001) của ông Nguyễn Gia Kiểng và cuốn "Văn Hóa trì trệ nhìn từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21" (2001) của Lê Thị Huệ nêu lên nhiều khuyết điểm của người Việt. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có một cuốn sách nhan đề "Người Việt xấu xí" nói về thói quen và tính xấu của người Việt. Nhà xuất bản Thanh niên cũng xuất bản sách "Người Việt - Phẩm chất và thói hư tật xấu" (2009) của nhiều tác giả.[10]